Tầm quan trọng của Thương mại điện tử trong xu thế bán hàng

Bạn đang tham gia vào việc kinh doanh? Thương mại điện tử và lợi ích cho doanh nghiệp thương mại điện tử nên được xem là một công cụ hỗ trợ thương mại truyền thống trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. Bởi vì, ở Việt Nam hiện nay chưa có đơn vị kinh doanh nào hoàn toàn “ảo”, có nghĩa là các hoạt động kinh doanh hoàn toàn dựa trên mạng Internet. Những lợi ích bên dưới sẽ giúp bạn nhận ra những giá trị mà Thương Mại Điện Tử sẽ mang lại cho doanh nghiệp của bạn:

5 Lợi ích thương mại điện tử mang lại cho doanh nghiệp

Lợi ích được xem là vấn đề mà các Doanh Nghiệp chú ý nhất đó là tăng doanh thu: với thương mại điện tử, đối tượng khách hàng của bạn giờ đây đã không còn bị giới hạn về mặt địa lý, hay thời gian làm việc. Bạn không chỉ có thể bán hàng cho cư dân trong thành phố của bạn, mà bạn còn có thể bán hàng trong toàn bộ Viêt Nam hoặc các nước khác. Bạn không ngồi chờ khách hàng tự tìm đến với bạn mà bạn đang tích cực và chủ động đi tìm khách hàng cho mình. Vì thế, chắc chắn rằng số lượng khách hàng của bạn sẽ tăng lên đáng kể dẫn đến tăng doanh thu. Đó là điều mà doanh nghiệp nào cũng mơ ước. Tuy nhiên, cũng xin nhắc lại với bạn rằng chất lượng và giá cả sản phẩm hay dịch vụ của bạn phải tốt, nếu không, Thương Mại Điện Tử cũng không giúp gì được cho bạn. Thứ hai là cắt giảm được chi phí quảng cáo: với thương mại điện tử, bạn không phải tốn kém nhiều cho việc thuê cửa hàng, mặt bằng, đông đảo nhân viên phục vụ, bạn cũng không cần phải đầu tư nhiều cho kho chứa… Chỉ cần khoảng 10 triệu đồng xây dựng một website bán hàng qua mạng, sau đó chi phí vận hành website mỗi tháng không quá một triệu đồng. Nếu website của bạn chỉ là trưng bày thông tin, hình ảnh sản phẩm, bạn tiết kiệm được chi phí in ấn brochure, catalogue và cả chi phí gửi bưu điện những ấn phẩm này. Và đặc biệt nếu doanh nghiệp bạn làm hàng xuất khẩu, bạn có thể ngồi ở nhà và tìm kiếm khách hàng qua mạng, không cần phải tốn kém nhiều cho những chuyến đích thân “xuất ngoại”.

Maketing toàn cầu với chi phí cực kì thấp là lợi ích thứ ba: chỉ với chi phí cực kì nhỏ bạn có thể đưa thông tin quảng cáo của bạn đến với hàng trăm triệu người xem từ khắp nơi trên thế giới. Đây là điều mà chỉ có Thương Mại Điện Tử làm được cho doanh nghiệp.Thử so sánh với một quảng cáo trên báo Tuổi Trẻ với vài triệu độc giả, mỗi lần quảng cáo bạn phải trả ít nhất 50 đô-la Mỹ, còn nếu bạn có một website của mình, bạn có thể quảng cáo thông tin 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần, và lượng độc giả của bạn là hàng trăm triệu người từ mọi nơi trên thế giới. Chi phí cho website của bạn mỗi tháng ước tính (kinh tế nhất) là: 5 đô-la Mỹ chi phí lưu trữ trực tuyến (hosting), 10-20 đô-la Mỹ trả cho chi phí quảng cáo (liệt kê địa chỉ web của bạn trên một dạng danh bạ doanh nghiệp điện tử. Dĩ nhiên, đây chỉ là chi phí tối thiểu cho website của bạn. Nếu bạn có khả năng tài chính, bạn có thể thuê quảng cáo với chi phí cao hơn để mong quảng cáo tốt hơn.

Lợi ích thứ tư đó là dịch vụ tốt hơn cho khách hàng: với Thương Mại Điện Tử, bạn có thể cung cấp catalogue, brochure, thông tin, bảng báo giá cho đối tượng khách hàng một cách cực kỳ nhanh chóng, bạn có thể tạo điều kiện cho khách hàng mua hàng trực tiếp từ trên mạng v.v… Nói tóm lại, Thương Mại Điện Tử mang lại cho bạn các công cụ để làm hài lòng khách hàng, bởi trong thời đại ngày nay, yếu tố thời gian thực sự là vàng bạc, không ai có đủ kiên nhẫn phải chờ đợi thông tin trong vài ngày. Hơn nữa, ngày nay chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ là những yếu tố rất quan trọng trong việc tìm và giữ khách hàng. Nếu bạn không xử lý yêu cầu thông tin của đối tượng quan tâm một cách nhanh chóng, họ sẽ không kiên nhẫn mà chờ bạn, trong khi đó có biết bao đối thủ cạnh tranh đang săn đón họ.

Thương mại điện thử mang lại lợi thế cạnh tranh lớn: việc kinh doanh trên mạng là một “sân chơi” cho sự sáng tạo, nơi đây, bạn tha hồ áp dụng những ý tưởng hay nhất, mới nhất về dịch vụ hỗ trợ, chiến lược tiếp thị v.v… Và một khi tất cả các đối thủ cạnh tranh của bạn đều áp dụng Thương Mại Điện Tử, thì phần thắng sẽ thuộc về ai sáng tạo hay nhất để tạo ra nét đặc trưng cho doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ của mình để có thể thu hút và giữ được khách hàng.

Tóm lại, thương mại điện Tử thực sự là một cơ hội cho các doanh nghiệp ở Việt Nam. Bạn đừng nghĩ rằng hãy còn quá sớm để nói đến Thương Mại Điện Tử. Những người chiến thắng thường là những người đi tiên phong, hơn nữa, các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu quan tâm nhiều đến Thương Mại Điện Tử, do đó, để giành lấy ưu thế, bạn không thể thủng thỉnh đi dạo và quan sát người khác hành động, mà bạn phải nhanh tay hành động ngay.

Xu thế của online trong TMDT

Với khoản đầu tư của VNG, Tiki mạnh tay hơn trong các khoản đầu tư mới. Tiki trở thành doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sử dụng công nghệ tiếp thị của Criteo, một công nghệ nước ngoài khá tốn kém nhưng bù lại, cho phép Tiki theo dõi được hành vi, lựa chọn, thói quen, tâm lý của khách hàng trên mạng. Nhờ đó, Tiki gia tăng đơn hàng và doanh thu trên 65% chỉ sau 3 tháng áp dụng. Ông Phan Anh Tuấn, Giám đốc Marketing của Tiki, cho biết, Tiki tiếp tục tìm kiếm giải pháp cá nhân hóa trải nghiệm đến từng khách hàng, cũng như cung cấp đa nền tảng cho đa thiết bị giao dịch từ phía khách hàng.

So với thời điểm Tiki mới thành lập (năm 2010), thói quen mua sắm tiêu dùng của Việt Nam hiện đã thay đổi. Một báo cáo từ Euromonitor chỉ ra, 75% người tham gia khảo sát đều ưa thích mua sắm trên mạng. Lý do vì mua sắm trên mạng giúp người tiêu dùng tiết kiệm được thời gian, thanh toán thuận tiện, có điều kiện so sánh giá và thường được mua với giá rẻ hơn, lại được giao hàng tận nơi, mua hàng bất cứ thời điểm nào… Sự tiện lợi này, cộng với đặc điểm dân số trẻ, mức thu nhập đã cải thiện và độ thâm nhập ngày càng mạnh mẽ của internet, của điện thoại thông minh đã khiến hoạt động bán lẻ online ở Việt Nam đạt mức tăng trưởng vượt bậc.

Theo đánh giá của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, thị trường thương mại điện tử của Việt Nam năm 2016 trị giá lên tới 4 tỉ USD (tương đương gần 100.000 tỉ đồng), tốc độ tăng trưởng hằng năm lên 22%. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam dự báo, trong 5 năm tới, quy mô thị trường này tại Việt Nam có thể đạt 10 tỉ USD. Cạnh tranh không chỉ diễn ra giữa các doanh nghiệp thương mại điện tử mà cả các hãng bán lẻ như Thế Giới Di động (MWG), FPT, Nguyễn Kim, Viễn Thông A, Lotte, Big C, Saigon Co.op… cũng nhập cuộc.

Thực tế, các nhà bán lẻ như Thế Giới Di Động, FPT, Nguyễn Kim đã tìm cách tăng tốc trong mảng bán lẻ online. MWG còn khoe với giới đầu tư về mức doanh thu năm 2016 hơn 3.300 tỉ đồng từ bán hàng online, tức tăng 104% so với năm trước. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG, thậm chí đã hé lộ tham vọng muốn biến một website bán lẻ khác là vuivui.com thành dự án tạo ra đột biến trong tương lai cho MWG, dự kiến còn tăng trưởng lớn hơn cả chuỗi Thế Giới Di Động, chuỗi Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh.

Kết hợp hay cạnh tranh?

Trên thế giới, xu hướng các nhà bán lẻ truyền thống mở rộng đầu tư cho kênh online ngày càng mạnh mẽ. Điển hình, sau khi bị Amazon vượt qua về tăng trưởng lẫn định giá thương hiệu, Walmart tăng tốc đầu tư cho mảng thương mại điện tử. Chỉ trong khoảng 1 năm, Walmart triển khai một loạt đầu tư: mua công ty khởi nghiệp thương mại Jet, mua hãng bán đồ nội thất trực tuyến Hayneedle, mở rộng kinh doanh tạp hóa online, cung cấp dịch vụ giao hàng tận nhà ở một số nơi. Kết quả, theo CNN, quý IV/2016, doanh số thương mại điện tử của Walmart đã tăng 29%, vượt trội hơn Amazon chỉ tăng 22%. Đáng nói hơn, Walmart trở thành nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ nhì tại Mỹ khi xét về doanh số. Ứng dụng di động của Walmart đứng trong Top 3 ứng dụng bán lẻ phổ biến nhất.

Tuy nhiên, ông Alban Villani, Giám đốc Thương mại của Criteo ở Đông Nam Á, Hồng Kông và Đài Loan, cho rằng, thương mại điện tử chưa lấn át và thay thế kênh bán hàng trực tiếp. Bởi vì người tiêu dùng vẫn chưa yên tâm mua sắm online cho nhiều mặt hàng liên quan đến chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe, giải trí, du lịch, đồ gia dụng, tạp phẩm, nội thất, đào tạo… Một khảo sát ở Mỹ của TimeTrade năm 2015 cũng chỉ ra, 85% người mua hàng muốn chạm và cảm nhận sản phẩm trước khi mua.

Việc mở rộng các cửa hàng làm gia tăng chi phí và giảm lợi nhuận của ngành bán lẻ. Thương mại điện tử xuất hiện và san lấp đi những lợi thế này của các nhà bán lẻ. Nhưng ngược lại, thương mại điện tử cần những không gian trải nghiệm để kết nối các khách hàng trung thành, thân thiết hơn. Sự kết hợp giữa online và offline ở một quy mô nào đó là cần thiết cho các nhà bán lẻ. Rõ ràng, hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng vẫn rất cần thiết và quan trọng trong hoạt động bán lẻ của doanh nghiệp. Đó là lý do vì sao nhiều doanh nghiệp trong ngành bán lẻ vẫn ra sức bành trướng quy mô số lượng cửa hàng. Ngay cả những người khổng lồ về thương mại điện tử như Amazon, Alibaba cũng đang tìm cách quay trở lại thế giới thực. Bằng chứng là Amazon đã mở cửa hàng sách đầu tiên của mình vào tháng 11.2015 tại Seattle, Mỹ, còn Alibaba cũng mở cửa hàng đầu tiên tại Trung Quốc vào tháng 1.2016.

Việt Nam chưa có đơn vị nào kinh doanh online nhảy lấn sang offline. Tiki mới đây cũng xác nhận chưa nghĩ đến vấn đề này. Nhưng ông Alban Villani tin rằng, đến một lúc nào đó, Tiki cũng như các công ty thương mại điện tử sẽ phát triển lên mức kết hợp cả online-offline như Amazon, Alibaba đang làm. Báo cáo đầu năm nay của Nielsen cũng từng đề cập rằng, do tâm lý, thói quen, lựa chọn của người tiêu dùng đã thay đổi nên xu hướng đa kênh, tức kết nối cả bán hàng online và offline sẽ là xu hướng bán lẻ của tương lai.

Những doanh nghiệp đã xây dựng được nền tảng tốt cả về bán hàng offline lẫn online sẽ không phải lo lắng. Nhưng nhà bán lẻ nào chưa quan tâm đúng mức cho kênh online thì khó lòng yên vị. Trên thực tế, tuy thương mại điện tử ước chỉ chiếm 4-5% tổng doanh thu toàn ngành bán lẻ từ đây đến năm 2020, nhưng người tiêu dùng đã, đang và sẽ còn dùng online để tìm kiếm sản phẩm, so sánh giá cả, đọc các nhận xét…

Nếu các trang web là nơi tạo ra doanh thu từ khách hàng, thì những cửa hàng là không gian trải nghiệm, lôi kéo và giữ chân khách hàng. Tất nhiên, một hệ thống kết hợp online – offline như vậy không thể dành cho những doanh nghiệp nhỏ.

Hi, this is a comment.
To get started with moderating, editing, and deleting comments, please visit the Comments screen in the dashboard.
Commenter avatars come from Gravatar.